icon-mes

Sùi mào gà: Nguyên nhân, Triệu chứng và Giải pháp Điều trị

Đăng bởi BS ĐÀO THUỲ LINH vào lúc 20/06/2025

Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, do virus HPV gây ra, xuất hiện dưới dạng các nốt sùi nhỏ ở vùng sinh dục. Dù không gây nguy hiểm tức thời, bệnh ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe và đời sống tình dục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Hiểu về bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà, hay còn gọi là mụn cóc sinh dục (genital warts), là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến nhất hiện nay. Bệnh do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra và có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Trong suốt cuộc đời, phần lớn những người có quan hệ tình dục sẽ từng tiếp xúc với ít nhất một chủng HPV, dù không phải ai cũng phát triển triệu chứng.

Bệnh đặc trưng bởi những nốt sùi nhỏ, mềm, màu da hoặc hồng nhạt, xuất hiện rải rác hoặc kết thành cụm như súp lơ, chủ yếu ở vùng sinh dục, hậu môn và đôi khi cả khoang miệng. Dù đa phần không nguy hiểm đến tính mạng, sùi mào gà ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, tâm lý và khả năng lây lan sang bạn tình.

2. Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà

Virus gây smg là Human Papillomavirus (HPV). Loại virus này gồm khoảng 150 chủng với ít nhất 30-40 chủng lây nhiễm qua đường TD. Nhưng chỉ một số chủng có thể gây ra bệnh smg. Có hai nhóm phổ biến gây ra hai tình trạng bệnh sùi mào gà gồm:

  • Chủng HPV-16 và HPV-18 thuộc nhóm nguy cơ cao, có khả năng gây Ung thư cổ tử cung, dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng…
  • Chủng HPV-6 và HPV-11 thuộc nhóm lành tính, cũng có 1 tỷ lệ thấp có thể tiến triển thành K. 

Đây là loại virus rất dễ lây lan, chủ yếu thông qua quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo, hậu môn, miệng). Ngoài ra, HPV cũng có thể lây truyền khi tiếp xúc da với da, sử dụng chung vật dụng cá nhân bị nhiễm bẩn hoặc từ mẹ sang con trong quá trình sinh thường.

Virus gây smg là Human Papillomavirus (HPV). Thời gian ủ bệnh có thể vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc vài năm mới thấy xuất hiện mụn cóc sinh dục. Thậm chí, có trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng hoặc không được phát hiện. Tỷ lệ người có triệu chứng rõ rệt rất thấp, chỉ khoảng 1-2% trường hợp. 

Vì vậy đa phần không có triệu chứng nên nhiều người không biết tình trạng của mình sau đó vô tình lây truyền virus cho người khác.

3. Triệu chứng nhận biết sùi mào gà

Sùi mào gà có thể không gây đau đớn trong giai đoạn đầu, khiến người bệnh chủ quan. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Các nốt sùi nhỏ màu hồng nhạt hoặc trùng màu da.
  • Tổn thương mềm, bề mặt ẩm ướt, có thể mọc đơn lẻ hoặc tạo thành từng mảng như súp lơ.
  • Vị trí thường gặp ở nam là dương vật, bìu, vùng quanh hậu môn. Ở nữ là âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và tầng sinh môn.
  • Đôi khi xuất hiện ở miệng, lưỡi hoặc họng nếu quan hệ tình dục bằng miệng.
  • Cảm giác ngứa, đau rát, khó chịu khi quan hệ, chảy máu nhẹ ở vùng tổn thương.

Với phụ nữ, các tổn thương ở bên trong cổ tử cung có thể không nhìn thấy bằng mắt thường, do đó cần khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm.

 

4. Yếu tố nguy cơ sùi mào gà

Những điều kiện thuận lợi dễ lây nhiễm bệnh như: 

  • Quan hệ tình dục không có dụng cụ bảo vệ (không đeo bao cao su)
  • Quan hệ tình dục mà không biết tiền sử tình dục của bạn tình
  • Có nhiều bạn tình
  • Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Quan hệ tình dục sớm
  • Hệ miễn dịch kém như nhiễm H.I.V hoặc dùng thuốc chống thải ghép tạng
  • Người dưới 30 tuổi
  • Người hút thuốc lá
  • Có mẹ bị nhiễm virus HPV

5. Giai đoạn phát triển của bệnh sùi mào gà

Có 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Đây là giai đoạn tính từ khi tiếp xúc với mầm bệnh cho đến khi xuất hiện nốt sùi đầu tiên. Khoảng thời gian này có thể vài tuần, vài tháng hoặc lên đến vài năm. Thông thường là khoảng 3 tháng.
  • Giai đoạn khởi phát: Hiểu một cách đơn giản, đây là smg giai đoạn đầu, khi người bệnh xuất hiện nốt sang thương nhỏ, màu nhạt, nằm rải rác…
  • Giai đoạn phát triển: Ở giai đoạn này, các nốt sùi phát triển mạnh về kích thước, số lượng, vị trí… ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và quá trình sinh hoạt.
  • Giai đoạn biến chứng: Người bệnh có biểu hiện bội nhiễm, vùng bị tổn thương bị sưng tấy, tiết dịch, loét, dễ chảy máu. Một số người có biến chứng sang ung thư hậu môn, vòm họng…
  • Giai đoạn tái phát: Sau khi chữa khỏi, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát từ chính người bạn tình hoặc do virus trong cơ thể chưa được loại bỏ hoàn toàn. Thông thường, tình trạng của người bị tái phát smg sẽ nặng hơn nguyên phát.

6. Biến chứng nguy hiểm của sùi mào gà

6.1 Phát triển thành ung thư (K)

- Sùi mào gà có khả năng gây bệnh K ở cả nam lẫn nữ. Các kết quả thống kê cho thấy, khoảng 10,2% phụ nữ bị smg ở cổ tử cung, 5% ở âm đạo, 5% ở hậu môn có thể phát triển thành ung thư. Ở nam giới, 15% trường hợp nhiễm virus HPV chuyển thành K dương vật.

-  Nếu có QHTD đường miệng với người bị smg cũng có thể bị K vòm họng, cổ họng…

6.2 Ảnh hưởng đến thai kỳ

Nếu bị sùi mào gà trong quá trình mang thai thì nồng độ hormon trong cơ thể phụ nữ tăng cao khiến các nốt sùi to lên, lan rộng hơn và gây chảy máu. Các nốt sùi mào gà không chỉ gây khó khăn cho việc đi vệ sinh do kích thước tăng dần, mà còn có thể làm giảm sự co giãn của mô âm đạo, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở tự nhiên, khiến cho thai phụ khó sinh bằng ngả âm đạo.

Có 1 tỷ lệ nhỏ khoảng 4/100.000 các trẻ sinh ra từ mẹ bị sùi mào gà có nguy cơ bị u nhú thanh quản khiến cho trẻ khàn giọng, khóc yếu… Trong trường hợp nặng bệnh có thể lan sang khí quản, phổi, gây tắc nghẽn đường thở.

6.3 Ảnh hưởng khả năng sinh sản

Bệnh sùi mào gà có thể làm biến dạng dương vật, tắc nghẽn ống dẫn tinh, tắc niệu đạo, K cổ tử cung… ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả hai giới.

Một số nghiên cứu còn cho biết, sự xuất hiện của virus HPV trong tinh dịch làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, có thể gây vô sinh ở nam. Nếu tinh trùng chứa HPV thụ tinh với trứng cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.

7. Chẩn đoán bệnh sùi mào gà

Sau khi khám lâm sàng, khai thác bệnh sử các bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết thương tổn để xem hình ảnh mô bệnh học nhằm xác định ADN của HPV, định type để xác định các type HPV có nguy cơ thấp hay nguy cơ cao gây ung thư. 

Ngoài ra, việc khám và xét nghiệm còn giúp các bác sĩ phát hiện các bệnh lây truyền qua đường QHTD khác (STDs) như: HIV, giang mai, viêm gan B, chlamydia, lậu ...

8. Các phương pháp điều trị sùi mào gà

Hiện tại chưa có thuốc uống để điều trị viurs HPV nên để điều trị sùi mào gà chủ yếu là loại bỏ triệu chứng, các biện pháp làm tiêu nốt sùi bằng thuốc bôi hoặc các thủ thuật y tế..

8.1. Điều trị bằng thuốc

  • Imiquimod: Làm tăng hoạt động miễn dịch tại chỗ để loại bỏ mụn cóc. Thuốc bôi ngoài da, cần tránh quan hệ khi thuốc còn trên da.
  • Podophyllotoxin: Nhựa thực vật phá hủy mô sùi, chỉ sử dụng ngoài da, không dùng cho phụ nữ mang thai.
  • Acid trichloroacetic (TCA): Loại bỏ tổn thương bằng hóa chất, thường áp dụng tại phòng khám.
  • Sinecatechin (chiết xuất trà xanh): Tác dụng chậm hơn nhưng ít gây kích ứng.

Lưu ý: Không nên tự ý dùng thuốc trị mụn cóc thông thường cho vùng sinh dục vì dễ gây bỏng, tổn thương nghiêm trọng.

8.2. Phẫu thuật hoặc thủ thuật y tế

Khi tổn thương lớn, lan rộng hoặc không đáp ứng với thuốc, bác sĩ có thể áp dụng:

  • Đốt lạnh bằng nitơ lỏng (cryotherapy).
  • Đốt điện cao tần hoặc laser CO₂.
  • Cắt bỏ tổn thương bằng phẫu thuật.
  • Tiêm nội tổn thương bằng Interferon trong một số trường hợp tái phát nhiều lần.

Điều trị có thể làm biến mất tổn thương nhưng không loại bỏ hoàn toàn virus trong cơ thể. Do đó, nguy cơ tái phát vẫn tồn tại.

9. Phòng ngừa bệnh sùi mào gà

9.1. Tiêm vắc-xin HPV

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Có hai loại phổ biến:

  • Gardasil 4: Bảo vệ chống lại HPV 6, 11 (gây sùi mào gà) và HPV 16, 18 (gây ung thư).
  • Gardasil 9: Phòng ngừa 9 chủng HPV, hiệu quả cao hơn và được ưu tiên sử dụng.

Khuyến nghị:

  • Tiêm cho bé trai và bé gái từ 9–14 tuổi (hiệu quả nhất trước khi quan hệ tình dục).
  • Người từ 15 đến 26 tuổi vẫn có thể tiêm nếu chưa đầy đủ liều.
  • Người từ 27 đến 45 tuổi có thể cân nhắc tiêm sau khi tư vấn với bác sĩ.

9.2. Quan hệ tình dục an toàn

  • Luôn sử dụng bao cao su đúng cách.
  • Hạn chế số lượng bạn tình.
  • Kiểm tra sức khỏe sinh dục định kỳ cho cả hai người.

9.3. Thói quen sinh hoạt lành mạnh

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân.
  • Tăng cường hệ miễn dịch qua ăn uống, luyện tập thể thao đều đặn.
  • Khám phụ khoa định kỳ và thực hiện Pap smear theo hướng dẫn.

10. Lưu ý điều trị và tái khám, theo dõi sùi mào gà

Hầu hết tổn thương đều đáp ứng trong 3 tháng điều trị, sùi mào gà được coi là khỏi sau 8 tháng kể từ khi điều trị. Đối với một số loại virus HPV nguy cơ thấp có thể tự đào thải sau 2 năm mà không cần điều trị gì nhờ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị mà cần phải có sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ.

Lưu ý khi điều trị: 

- Vệ sinh cá nhân: Sử dụng dung dịch vệ sinh có pH trung bình; Tắm rửa thường xuyên, thay quần áo hằng ngày; Không dùng chung đồ cá nhân.

- Chế độ dinh dưỡng:  Tăng sức đề kháng: ăn nhiều rau xanh, trái cây, đạm lành mạnh; Bổ sung vitamin nhóm B, C, chất chống oxy hóa (tỏi, hành); Tránh đồ cay nóng, chiên rán, kích thích.

- Tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị và chưa khỏi hẳn, ngay cả khi dùng bao cao su, vẫn có nguy cơ lây nhiễm

- Sau khi khỏi bệnh, nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2 tuần, trong 6 tháng đầu sau điều trị, nếu quan hệ cần dùng bao cao su.

Việc duy trì tiêm đầy đủ vắc-xin, quan hệ tình dục an toàn và tăng cường miễn dịch là cách tối ưu để phòng ngừa tái phát hiệu quả.

11. Kết luận

Sùi mào gà là bệnh lý phổ biến, dễ lây và có xu hướng tái phát nếu không điều trị triệt để. Dù không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm, việc nhận biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng, giảm thiểu biến chứng và bảo vệ sức khỏe sinh sản.

 

📣 Cộng đồng Học Chống Đẩy Chuẩn Y Khoa: Nơi tâm sự, chia sẻ, giải đáp mọi thứ về tình yêu, tình dục, sức khoẻ nam khoa, phụ khoa. https://www.facebook.com/groups/hocchongdaychuanykhoaa
📧 Email: bsthuylinh68@gmail.com
🌐 Website: bsdaothuylinh.com
📍Địa chỉ: 78 Mặt Hồ Linh Quang, P. Văn Chương, Q. Đống Đa, Hà Nội
📞 Hotline: 037.980.59.98


BS. Đào Thùy Linh - Mình là bác sĩ Linh giúp bạn tăng cường sinh lý bằng đông y

Tags : Các bệnh lây qua đường tinh dục